Phá bỏ những lầm tưởng trong gia đình

Gia đình- nơi những con người được gắn kết với quan bởi mối quan hệ thiêng liêng, được gọi là huyết thống. Nhưng những lầm tưởng xuất phát từ suy nghĩ của bản thân đôi khi lại khiến cho mối quan hệ gia đình trở nên lạnh nhạt. Để xây dựng và duy trì hạnh phúc, cần có sự nỗ lực vun đắp từ tất cả các thành viên trong gia đình.

lam tuong gay bat hoa

Lầm tưởng là nhầm lẫn về một việc gì đó không có thật. Và bởi lầm tưởng rằng “Vì là gia đình nên không sao đâu” đã khiến cho rất nhiều người mắc phải những sai lầm không đáng có. Từ đó khiến cho mọi người không đối xử với nhau một cách chân thành. Dần dần dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn lớn nhỏ, mối quan hệ gia đình trở nên khó khăn.

Đôi khi chúng ta có thể đã cho rằng “Vì là gia đình mà”, nên chúng ta có thể đã cư xử với gia đình của mình theo cách mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Thậm chí là theo cách mà bản thân mình thấy thích và vui vẻ. Mà đôi khi lại không quan tâm đến cảm xúc, suy nghĩ hay tâm trạng của các thành viên khác.

Tháng 5- Tháng của gia đình, hãy cùng tìm hiểu về 4 lầm tường dễ mắc phải với gia đình. Và mỗi chúng ta hãy cố gắng loại bỏ những lầm tưởng đó, để xây dựng một gia đình hạnh phúc.

1. Gia đình không tự nhiên gắn kết bền chặt mà không cần cố gắng

Gia đình là nơi nhóm lại các thành viên có độ tuổi và giới tính khác nhau. Mỗi độ tuổi một suy nghĩ, mỗi giới tính lại có một quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề là khác nhau. Nên nếu các thành viên không thực sự nỗ lực và cố gắng thì mối quan hệ gia đình sẽ dần trở nên bị rạn nứt.

Nhiều người lầm tưởng rằng vì là gia đình nên mọi người sẽ tự nhiên thấu hiểu và gắn bó với nhau thôi. Tuy nhiên, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi dù có thân thiết đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không thể hiểu được chính xác, trọn vẹn tấm lòng của đối phương.

Hơn nữa, suy nghĩ rằng “Vì tôi là thành viên trong gia đình này, nên tôi đương nhiên phải được mọi người yêu thương. Và việc họ hy sinh cho tôi cũng là tất nhiên”. Điều này khiến cho bản thân không bao giờ có thể thốt ra khỏi miệng những câu như “Con xin lỗi”, “Anh cảm ơn em”, “Bố mẹ yêu con”… với gia đình của mình. 

lam tuong trong moi quan he gia dinh

Thế nhưng, điều thật kỳ lạ là chúng ta lại dễ dàng bộc lộ cảm xúc tiêu cực hay những lời oán trách với gia đình. Tuy nhiên, sự thật là con người thì ai cũng chỉ thích nghe những lời nói tích cực. Chính vì vậy, dù có chút ngại ngùng thì chúng ta cũng hãy tập thói quen nói ra những lời yêu thương hay cảm xúc trong tấm lòng của mình.

Không những thế, nếu càng kỳ vọng rằng “Vì là gia đình nên dù không nói thì đối phương cũng sẽ hiểu hết tấm lòng của tôi” thì sẽ càng gặp phải nỗi thất vọng lớn. Khiến cho đôi khi thốt lên những lời oán giận.

Việc đặt kỳ vọng vào gia đình thật ra cũng là việc đương nhiên và dễ hiểu. Nhưng trong cuộc sống thì đôi khi vẫn có những điều diễn ra không như ý muốn mình, cho dù đó là người thân thiết. 

Nên khi điều đó xảy ra, thay vì oán trách thì hãy thay đổi mức độ kỳ vọng của bản thân và trò chuyện với nhau để giải quyết mâu thuẫn.

2. “Vì là gia đình nên sẽ hiểu cho thôi”- Lầm tưởng nghiêm trọng

Mọi người thường công nhận đó là tình yêu thương khi đối phương làm theo như ý muốn của mình. Và trong trường hợp không làm theo ý muốn mình thì đương nhiên đối phương sẽ phải gánh chịu những bực bội và tức giận của mình. Tuy nhiên, đây lại là lầm tưởng rất tai hại.

lam tuong nghiem trong

Thực tế ngày nay cho thấy một số gia đình đang mắc phải tình trạng “Đối nội đối ngoại bất nhất”. Có nghĩa là gì? Chúng ta có thể hiểu đơn giản về hiện trạng đó như này:

Khi ở công ty, người chồng đối xử rất ân cần, chu đáo với nhân viên của mình. Nhưng khi ở nhà lại đối xử thô lỗ với vợ của mình.

Với một người lạ mới quen thì người mẹ rất niềm nở. Nhưng đối với con của mình thì người mẹ lại chỉ quát mắng và lạnh nhạt.

Con trai rất vui vẻ, hòa đồng với các bạn bè. Còn khi ở nhà thì ủ rũ, thờ ơ với bố mẹ…

Những hành động như trên xuất phát từ đâu vậy? Đó là bởi lầm tưởng rằng “Vì là gia đình nên sẽ hiểu cho tôi thôi”. Nhưng hãy tự đặt bản thân mình vào tình huống như vây. Rằng nếu có ai đó đối xử với bản thân như vậy thì mình có thể chịu đựng và bỏ qua cho được không?

Cho nên, chúng ta hãy quan tâm đến gia đình nhiều hơn. Và trên hết là hãy xây dưng gia đình đối nội đối ngoại đồng nhất.

3. “Vì là gia đình nên không có lời nào là không thể nói được”

Có câu nói rằng “Có thể chịu đựng hàng trăm lời nói tiêu cực của người xa lạ. Nhưng một lời nói vô tâm của người thân thiết sẽ để lại vết thương sâu”. Điều đó có nghĩa là lời nói vô tâm của người thân yêu thốt ra đôi khi lại là lời nói cay nghiệt nhất chúng ta từng nghe trong cuộc đời. 

pha bo lam tuong

Khi chúng ta nói chuyện với một người nào đó thì sẽ suy nghĩ thật kỹ xem nên nói như thế nào. “Liệu tôi nói ra lời như thế này thì đối phương có hài lòng không”, “Tôi nên nói điều gì để đối phương không hiểu nhầm và bị tổn thương?”…

Thế nhưng, khi nói chuyện với gia đình, chúng ta lại chẳng ngần ngại gì mà thốt lên mọi lời mình muốn nói. Bởi lầm tưởng rằng “Vì là gia đình nên chẳng có lời nào là không thể nói được”. Cho nên, dù đã nói lời thô lỗ nhưng lại biện minh rằng “Chỉ là lời nói đùa thôi mà”. Hay đôi khi dù bản thân đã sai nhưng lại trách móc đối phương là hẹp hòi.

Những vết thương lòng do gia đình gây ra rất khó để có thể chữa lành được. Vì nó được tạo nên bời chính lời nói của của người mà mình yêu thương và tin tưởng nhất.

Chính vì vậy, khi nói bất cứ điều gì chúng ta cũng cẩn suy nghĩ cẩn trọng, tỉ mỉ để làm đối phương được vui lòng và thấy được quan tâm. Lời mà không thể nói với người khác và phải giữ ở trong lòng thì cũng đừng nói với gia đình của mình.

4. “Không nhất thiết phải cư xử lịch sự với gia đình”

Khi đi gặp đối tác hay khách hàng, chúng ta thường cố gắng cư xử thật lịch sự để họ cảm thấy hài lòng. Nếu có cuộc hẹn trước thì xác nhận lại lịch hẹn. Nếu cảm thấy trễ hẹn hay thất hứa thì sẽ gọi điện hoặc nhắn tin trước cho họ để thông báo.

Hay nếu có ai đó giúp đỡ thì chúng ta đễ dàng nói ra lời cảm ơn đối với họ. Khi làm ai đó tổn thương hay phạm lỗi thì chúng ta cũng nói ra lời “Tôi xin lỗi” ngay lập tức.

Tuy nhiên, chúng ta có cư xử như thế với gia đình của mình không? Dù đã lỡ hẹn và thất hứa vì lý do nào đó nhưng lại chỉ nói rằng “Chẳng còn cách nào khác cứ sao. Có thế thôi mà cũng…”. Và coi điều đó là việc chẳng đáng là gì. Điều đó phát sinh từ lầm tưởng rằng “Vì là gia đình nên không cần phải đối xử lịch sự”.

Dù chúng ta có làm bất cứ việc gì với lý do là “Tất cả là vì gia đình này”, thì cũng hãy đối xử với gia đình của mình một cách tôn trọng. Nếu có việc gấp làm cho lỡ hẹn với gia đình thì hãy thông báo trước. Hãy giải thích rõ về hoàn cảnh và mong sự cảm thông từ gia đình.

Gia đình là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, nhưng nếu suồng sã quá, đến mức vô tâm thì sẽ trở nên bất hòa. Khi gia đình tôn trọng lẫn nhau và giữ những lễ tiết cơ bản thì sẽ trở nên đầm ấm, hòa thuận và tràn ngập niềm vui.

xoa bo lam tuong de gia dinh hanh phuc

Có rất nhiều những câu châm ngôn hay dạy chúng ta về việc giữ gìn lễ tiết trong gia đình. Ví dụ như: “Càng thân cận thì càng phải giữ lễ tiết”. Hay: “Hãy cư xử lịch sự với gia đình. Đây là cái gốc làm người” (Khổng Tử),…

Bản chất của một người được thể hiện rõ trong gia đình. Dù với người khác có đối đãi ân cần, lịch sự bao nhiêu nhưng lại đối sử không tốt với gia đình thì ấy chỉ là lịch sự bề ngoài, cho người ta thấy mà thôi. Người thật sự lịch sự là người biết giữ lễ tiết với chính gia đình trước nhất.

Gia đình là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng. Đừng vì những lầm tưởng trên mà làm hủy hoại hạnh phúc gia đình. Mỗi thành viên chúng ta hãy cùng thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Và cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc.