Bí quyết để “quan tâm” không trở thành “can thiệp”

Giữa “quan tâm” và “can thiệp”, làm thế nào để có thể phân biệt được? Ranh giới giữa hai điều này vô cùng mong manh. Nếu quan tâm không đúng cách, thì sẽ trở thành can thiệp. Từ đó, khiến cho mối quan hệ bị sứt mẻ, đối phương cảm thấy thiếu sự tôn trọng.

Sự khác biệt giữa “quan tâm” và “can thiệp”

Con người chúng ta không thể duy trì cuộc sống của mình nếu thiếu đi các mối quan hệ. Đặc biệt là quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Càng là mối quan hệ thân thiết thì lại càng dành nhiều tình cảm cho nhau. Tuy nhiên, nếu quan tâm đi quá giới hạn thì sẽ trở thành can thiệp.

quan tâmcan thiệp đều xuất phát từ tấm lòng mong muốn điều tốt đẹp nhất cho đối phương. Thế nhưng lại mang đến hậu quả hoàn toàn khác nhau. Cho nên cần phân biệt rõ về hai vấn đề này để có thể duy trì được mối quan hệ bền chặt.

su khac biet quan tam va can thiep

Quan tâm là biết đặt cảm xúc, hoàn cảnh và suy nghĩ của người khác lên trước. Điều đó xuất phát từ mong muốn thấu hiểu, chia sẻ và tôn trọng đối phương. 

Ngược lại, can thiệp lại là việc ưu tiên những suy nghĩ và mong muốn của bản thân hơn hết. Và áp đặt những điều đó lên đối phương. Sự can thiệp xuất phát từ mong muốn kiểm soát hoặc thay đổi hành vi, suy nghĩ của người khác theo ý mình.

Phân biệt quan tâmcan thiệp tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều phức tạp, bởi ranh giới giữa hai khái niệm này đôi khi vô cùng mong manh. Lý do nằm ở sự khác biệt trong nhận thức và cảm xúc của mỗi cá nhân. 

Cùng một lời nói, hành động có thể được người này hiểu là quan tâm, nhưng người khác lại cho là can thiệp. Thêm vào đó, phán đoán của mỗi người cũng thay đổi tùy theo tình huống và cảm xúc, khiến việc xác định ranh giới càng trở nên khó khăn. Giao tiếp là cầu nối quan trọng để kết nối con người, nhưng nó cũng chỉ mang tính tương đối. Do vậy, khi được đối phương công nhận thì đó mới là quan tâm thật sự.

Sức mạnh của sự quan tâm

Từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, thậm chí là cho đến khi về già, con người luôn mong muốn và khao khát được nhận sự quan tâm từ người khác.

Nếu người lớn không chú ý đến trẻ nhỏ, chúng sẽ tìm cách để thu hút. Ví dụ như khóc lóc, hoặc là có những hành động quấy rầy. Hơn nữa, các chuyên gia còn cho rằng sở dĩ trẻ nói lời “Con yêu bố mẹ” cũng xuất phát từ mong muốn được nghe lời “Bố mẹ yêu con” từ bố mẹ của chúng.

Hay đơn giản, việc chia sẻ những khoảnh khắc đời thường lên mạng xã hội và chờ đợi sự tương tác của người khác cũng chính là bởi nhu cầu muốn được quan tâm. Đôi khi việc hỏi ý kiến người khác về những vấn đề cá nhân mình cần tự quyết định cũng là xuất phát từ nhu cầu ấy.

Kể cả người lớn tuổi cũng thích được con cháu hỏi han, nói lời yêu thương, động viên và an ủi.

suc manh cua su quan tam

Vậy thì lý do tại sao lại như vậy? Có sức mạnh kỳ diệu nào được phát ra từ sự quan tâm?

Đối với trẻ nhỏ, sự quan tâm của bố mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển thể chất và tinh thần. Khi cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ cha mẹ, trẻ sẽ cảm thấy an toàn, tự tin và có động lực để học hỏi, khám phá thế giới xung quanh. Những đứa trẻ như thế sẽ hiếm khi nài xin bố mẹ mua cho thứ này thứ kia. Hơn nữa, chúng lại còn cố gắng làm những việc bố mẹ vui lòng dù cho việc đó khó khăn thế nào đi chăng chăng nữa.

Ngược lại, khi thiếu mất đi điều này có thể khiến trẻ cảm thấy cô đơn, lo lắng. Thậm chí dẫn đến những hành vi tiêu cực để thu hút sự chú ý.

Khi vợ chồng yêu thương và luôn suy nghĩ cho nhau thì mối quan hệ sẽ trở nên gắn kết bền chặt. Nhờ đó, có động lực và tinh thần để làm công việc, và dù có sóng gió thì cũng vượt qua dễ dàng. 

Con cái biết quan tâm và hiếu thảo với bố mẹ thì bố mẹ sẽ vui khỏe và cảm thấy an tâm.

Như vậy, thể hiện sự quan tâm là cách hiệu quả nhất để cải thiện mối quan hệ giữa người với người. Sự quan tâm chân thành khiến cho người khô khan trở nên tràn đầy sức sống. Và giúp cho cánh cửa tấm lòng vốn bị đóng chặt lại được mở rộng ra.  

Khi chúng ta bày tỏ tấm lòng mình thì cũng sẽ được nhận lại sự quan tâm từ chính người đó. Đây là một vòng tuần hoàn tích cực, xây dựng tình cảm và hạnh phúc trong cuộc sống.

Sự can thiệp khiến cho mối quan hệ trở nên căng thẳng

“Con phải ăn hết chỗ thịt này thì mới được đứng dậy”

“Mẹ à, con không thích ăn”

“Thịt ngon như vậy con còn không ăn. Ngoài kia có nhiều người muốn được ăn thịt như con cũng không có mà ăn đâu.”

“Bố ơi, con muốn đăng ký học trường này.”

“Không được. Bố đã nói với con rồi, nhà mình có truyền thống giáo viên rồi. Con phải thi vào trường sư phạm cho bố.”

Dù người bố hay người mẹ trong câu chuyện ví dụ trên có ý muốn dành những thứ tốt đẹp nhất cho con của mình. Nhưng sự yêu thương đó chưa đúng cách, khiến cho người con cảm thấy bị gánh nặng và áp lực. 

Bố mẹ thật ra chỉ đang áp đặt những suy nghĩ và mong muốn của mình lên con cái. Trong khi không để tâm đến suy nghĩ, cảm nhận và ước mơ của con mình. Điều ấy gọi là sự can thiệp.

quan tam qua muc thanh can thiep

Khi có tình cảm với ai đó thì sẽ có muốn đối phương trở nên giống mình, từ suy nghĩ đến hành động. Đặc biệt là trong mối quan hệ gia đình. Có nhiều trường hợp các thành viên trong gia đình nêu ra ý kiến về một vấn đề gì đó. Nhưng cuối cùng lại trở thành sự can thiệp.

Sự can thiệp nảy sinh từ suy nghĩ “Tôi đúng”, “Tôi biết rõ hơn bất cứ ai”. Dẫn đến việc ép buộc người khác phải làm theo ý kiến của mình. “Em phải làm theo lời của anh.”, “Nếu không nghe theo bố thì con sẽ phải hối hận đấy.”… 

Dù với ý muốn tốt đẹp nhưng nếu đối phương cảm thấy không thoải mái thì sẽ phát sinh những phản kháng dữ dội. Đối phương sẽ cảm thấy như thể đang bị kiểm soát, mất tự do và không được tôn trọng. Dần dần mối quan hệ dù gần gũi đến đâu đi chăng nữa cũng sẽ trở nên xa cách.

Như vậy, hậu quả của can thiệp là vô cùng nghiêm trọng. Sự quan tâm vừa đủ sẽ không tạo gánh nặng cho đối phương. 

Bí quyết để “quan tâm” không trở thành “can thiệp”

Tình yêu thương thể hiện qua hành động

Nhà tâm lý học Erich Fromm từng khẳng định: “Nếu thấy người con gái nói yêu hoa nhưng lại quên tưới nước cho hoa, chúng ta sẽ không tin cô ấy yêu hoa. Yêu thương là sự quan tâm tích cực đến sự sống và sự phát triển của điều mình yêu”.

Điều đó cho chúng ta biết rằng quan tâm chính là yêu thương. Đối nghịch với yêu thương chính là thờ ơ

Để đối phương hiểu được bạn đang thật sự quan tâm đến đối phương, bạn cần dành thời gian và tấm lòng của mình để làm cho đối phương được vui vẻ. Hãy cố gắng mở rộng tầm mắt để quan sát và đôi tai để lắng nghe. Đồng thời cũng phải có sự đồng cảm, đặt mình vào cảm nhận, cảm xúc và tấm lòng của đối phương.

Nếu yêu thương và quan tâm đến ai đó, bạn sẽ muốn biết nhiều hơn về người đó đúng không? Và khi hiểu rõ về sở thích, sở trường,  mong muốn,…  bạn có thể dễ dàng làm cho đối phương được vui vẻ. 

Lắng nghe bằng cả tấm lòng

Dale Carnegie, bậc thầy về giao tiếp, đã từng chia sẻ: “Bạn có thể kết bạn nhiều hơn trong 2 tuần bằng cách quan tâm đến người khác, hơn là trong 2 năm cố gắng khiến người khác quan tâm đến bạn”. Hãy tập trung lắng nghe khi đối phương chia sẻ. Chỉ khi họ cần lời khuyên thì mới đưa ra ý kiến của mình. 

Ngay cả khi họ phản đối quan điểm của bạn, hãy sẵn sàng tiếp thu và thấu hiểu. Thay vì khư khư giữ lấy suy nghĩ “Tôi đúng”, hãy cởi mở đón nhận “Bạn cũng đúng”.

Hãy đặt những câu hỏi khơi gợi niềm vui cho đối phương, cùng họ trò chuyện về những chủ đề mà họ yêu thích. Đồng thời cũng hãy luôn giữ nét mặt tươi cười trong khi trò chuyện.

bi quyet quan tam dung cach

Quan tâm tinh tế – Tránh áp đặt, phẫn nộ

Sự quan tâm chân thành không đồng nghĩa với ép buộc hay phẫn nộ. Thay vì trách móc khi chồng về nhà muộn, hãy thử hỏi han nhẹ nhàng: “Em đã rất lo lắng vì tan làm lâu rồi mà anh vẫn chưa về. Có chuyện gì vậy anh?”. Giọng điệu ấm áp, quan tâm sẽ khiến người chồng cảm nhận được tình yêu thương và sự lo lắng của bạn.

Hãy tôn trọng và thấu hiểu cho đối phương một cách chu đáo. Tùy thuộc vào ngữ điệu và biểu cảm của người nói, ngay cả những lời xuất phát từ sự quan tâm cũng có thể nghe như đang can thiệp

Kiên nhẫn và tin tưởng

Như người nông dân sau khi đã gieo giống, làm cỏ, bón phân kịp thời thì kiên nhẫn chờ đợi cho cây lúa trưởng thành và thu hoạch. Ông ta không thể nào kéo hay ép buộc chúng phải phát triển nhanh chóng được. Trong sự quan tâm cũng có sự kiên nhẫn để tin tưởng và chờ đợi.

Càng thân thiết, bạn càng phải quan tâm nhiều hơn đến đối phương. Nhưng cũng cần tôn trọng ý muốn của họ để duy trì mối quan hệ lành mạnh. Mục đích của việc nuôi dạy con cái không phải là để kiểm soát, mà là giúp con trưởng thành, độc lập, tự tin và trung thực. 

Và mối quan hệ vợ chồng sẽ càng trở nên bền vững khi biết tôn trọng và thấu hiểu cho những sự khác biệt của nhau.

Chúng ta hãy tự kiểm điểm bản thân mình xem trong thời gian vừa qua mình đã quan tâm quá mức hay đang thờ ơ với gia đình của mình. Hãy thể hiện sự quan tâm một cách chân thành, bằng cả trái tim và tâm hồn. Để kết nối với những người xung quanh và xây dựng những mối quan hệ bền chặt, hạnh phúc.