Đưa ra lời khuyên ít nhất có thể.
Phương pháp hiệu quả hơn việc đưa ra lời khuyên là bản thân trở thành tấm gương cho người khác.
“Mình ơi, cốc cà phê này đẹp quá phải không? Hôm nay em đã mua vì được giảm giá đấy.”
“Em có bao nhiêu cốc cà phê rồi mà lại mua nữa à? Anh nghĩ em chi tiêu quá đà rồi đấy.”
“Cốc cà phê có nhiều, nhưng không cái nào có thiết kế như thế này. Cũng đâu phải là thứ đắt tiền đâu, sao anh lại nói vậy?”
“Dù đắt hay không đắt thì cũng không có lý do gì để mua cả, mà em cứ mua như thế nên mới nói.”
“Nếu có ai nghe thấy chắc sẽ tưởng em tiêu xài phung phí chi phí sinh hoạt mất.”
“Ý anh không phải vậy…”
“Thôi được rồi. Anh đừng nói nữa.”
Người vợ đang nỗ lực vun vén cuộc sống một cách tiết kiệm theo cách riêng của mình. Người vợ có xu hướng mua đồ giảm giá một cách cẩn thận. Vậy nên cô đã rất vui khi mua được cốc cà phê mà mình luôn muốn sở hữu nhờ được giảm giá. Cô ấy cũng thầm phấn khích khi nghĩ đến việc uống trà cùng chồng bằng cốc cà phê mới. Tuy nhiên, khi chồng bất ngờ đưa ra lời khuyên, người vợ lập tức bị tổn thương tâm lý.
Người chồng cũng có lý do để nói như vậy. Dù uống trong cốc mới thì hương vị cà phê cũng không ngon hơn, ở nhà đã có nhiều cốc cà phê rồi, thế mà vợ mình lại mua thêm một cái nữa nên người chồng không thể hiểu nổi. Có vẻ như người vợ đã chi tiêu một cách không cần thiết trong hoàn cảnh thiếu thốn, phải tiết kiệm sinh hoạt phí để trả nợ và đóng tiền học phí cho các con. Người chồng nghĩ rằng đây là thời điểm tốt để khuyên nhủ vợ về vấn đề kinh tế gia đình. Người chồng hoàn toàn không có ý khiến vợ buồn lòng. Vì cho rằng lời mình nói là đúng nên người chồng nghĩ vợ sẽ tiếp nhận một cách lý trí. Tuy nhiên, kết quả là đã để lại cảm giác không thoải mái cho nhau.
Mật ong cũng đắng nếu là thuốc
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta gặp phải những lời nói sai trái của người khác hoặc cách hành xử mà mình không thể hiểu nổi. Nếu đó là người không có mối liên hệ gì với mình thì chúng ta sẽ không can dự mà cứ thế cho qua; nhưng nếu đó là người thân thiết với mình, đặc biệt là người trong gia đình thì không thể cứ thế cho qua mà sẽ chỉ ra vấn đề và đưa ra lời khuyên, phải vậy mới cảm thấy hài lòng. Vì gia đình là sự tồn tại yêu dấu và quý trọng hơn ai hết, nên người ta cho rằng đương nhiên phải nói cho biết để sửa chữa nếu có điều gì sai, việc này cũng đều là vì gia đình cả.
Thế nhưng cũng có nhiều trường hợp xảy ra xung đột và mâu thuẫn vì điều đó. Chúng ta đã lên tiếng vì đối phương, nhưng đối phương lại nổi giận hoặc hờn dỗi thay vì tỏ thái độ biết ơn hoặc sẵn sàng thừa nhận sai lầm và muốn sửa đổi. Cuối cùng, tình cảm ngày càng bị rạn nứt sâu sắc hơn và sự đối thoại cũng bị cắt đứt. Thế rồi người đưa ra lời khuyên sẽ tự hợp lý hóa bản thân như thế này. “Tôi đã nói gì sai sao?”, “Nếu tôi không nói thì ai sẽ nói cho biết chứ?”, “Tôi đã suy nghĩ kỹ trước khi nói rồi mà”, “Chỉ vì lòng dạ người đó quá hẹp hòi”…
Vậy, người không vui lòng chấp nhận lời khuyên của người khác có thật là người hẹp hòi chăng? Lời khuyên nghĩa là lời khuyên nhủ chân thành về những khuyết điểm hoặc sai lầm của người khác. Nếu đưa ra lời khuyên tốt thì đó có thể trở thành liều thuốc tuyệt vời để sửa chữa được khuyết điểm của đối phương và trở thành người tốt hơn. Song, như có câu tục ngữ rằng “Mật ong cũng đắng nếu là thuốc”, người ta thường không muốn nghe lời khuyên hay lời chỉ trích dù điều đó có lợi và giúp ích cho mình chăng nữa. Có khi chỉ vì một lời khuyên mà mối quan hệ thân hữu bạn đã dày công xây dựng cũng có thể bị sụp đổ hoàn toàn. Thậm chí kể cả người nói rằng “Nếu tôi có điều gì sai, xin đừng ngại mà hãy cho tôi lời khuyên nhé!” và sẵn lòng tiếp nhận lời khuyên, thì họ cũng thấy bị xúc phạm khi thực sự nghe lời khuyên.
Khi chúng ta nói ra với ý tốt nhưng lại khiến tấm lòng đối phương đóng lại, thì vấn đề nằm ở “phương pháp”. Sở dĩ đối phương không chấp nhận lời khuyên là vì người đưa ra lời khuyên thiếu sự quan tâm chứ không phải vì lời ấy đúng hay sai. Đôi khi, chúng ta không cân nhắc tâm trạng hoặc hoàn cảnh của đối phương mà cứ đưa ra lời phê bình và chê trách với danh nghĩa là khuyên nhủ. Những lời bạn nhất thời thốt ra vì lời khó nghe của đối phương hoặc lời nói công kích vì bị cuốn vào cảm xúc không thoải mái, không thể được coi là lời khuyên chân chính. Hơn nữa, không ai có thể khiêm tốn tiếp nhận lời phê bình và khiển trách như vậy.
Lời khuyên không có sự quan tâm chỉ là sự phê bình
Ngay cả khi suy nghĩ và hành động của đối phương rõ ràng là sai, bạn cũng không nên làm tổn thương cảm xúc của đối phương bằng cách chỉ trích hoặc nói thẳng với họ với giọng điệu phê phán. Khi ở trong tâm trạng thái không vui, cơ chế phòng vệ được kích hoạt. Vậy nên dù đối phương nói lời đúng chăng nữa, người đó không những không thay đổi suy nghĩ mà có thể còn tăng thêm sự phản kháng nữa. Đây là tâm lý của con người.
Mục đích của lời khuyên hay chỉ bảo không phải là để đối phương nhận ra sai lầm và mình chiếm thế thượng phong bởi lời nói đúng, mà nhằm giúp người đó xây khỏi hướng đi sai trái mà trở lại con đường đúng đắn. Điều đó phải xuất phát từ mong muốn “trở thành một người tốt hơn”. Nếu muốn người nghe có thể chấp nhận và sửa chữa lỗi lầm của mình, bạn nhất định phải thể hiện sự chân thành. Vì thế, lời khuyên chỉ có tác dụng khi sự quan tâm và tình cảm chân thành của bạn xuất phát từ tấm lòng. Nếu không thực sự có tấm lòng lo lắng cho đối phương thì thà không nói ra còn tốt hơn.
Ngay cả khi đã dành sự quan tâm và tình cảm cho đối phương đi chăng nữa, khuyên nhủ vẫn là một vấn đề nhạy cảm, dễ gây tổn thương lòng tự trọng của đối phương, nên cần phải cân nhắc kỹ càng hơn bao giờ hết. Khi học trò hỏi rằng “Nếu giữa anh em có sự lỗi lầm thì có nên nói cho nhau biết không?”, Toegye Yi Hwang đã trả lời như thế này: “Trước hết, hãy lấy hết thành ý mà khiến đối phương được cảm động. Phải như vậy thì sau này mới không làm tổn hại đến tình nghĩa đôi bên. Nếu chỉ trách mắng ngay lúc đó mà không có thành ý thì mối quan hệ đôi bên sẽ trở nên xa cách”.
Như lời của Toegye, nếu muốn đưa ra lời khuyên thì phải suy nghĩ xem liệu mình có đang quan tâm bằng tấm lòng ấm áp, đủ để đối phương có thể thấu hiểu sự chân thành của mình hay không. Hơn nữa, cũng phải suy nghĩ cẩn trọng xem sẽ nói thế nào để không làm tổn thương tấm lòng của đối phương, và nói chuyện riêng với đối phương sau khi tạo bầu không khí thoải mái. Việc nói thẳng hoặc nói trước mặt nhiều người là điều cấm kỵ. Phần kết thúc nhất định phải mang tính tích cực và hy vọng. Lời khuyên đúng thời điểm có thể là thuốc, nhưng cũng có thể trở thành thuốc độc nếu đối phương cảm thấy bị ép buộc. Vai trò của bạn là đưa ra lời khuyên, nhưng việc tiếp nhận lời khuyên ấy là bổn phận của đối phương, nên không cần thiết phải hờn dỗi hoặc đối đầu vì cớ đối phương không tiếp nhận lời khuyên ấy.
Người khôn ngoan nói điều cần thiết nhưng không biến đối phương thành kẻ thù. Nghĩa là ngay cả lời nói đúng đắn cũng phải được nói ra một cách có đức độ. Thật sự rất khó để đưa ra lời khuyên mà không làm tổn thương tấm lòng của đối phương. Lời khuyên (忠告) theo Hán tự có nghĩa là “khuyên răn (告) một cách trung tín (忠)”, và trong ký tự “trung tín (忠)” cũng bao gồm ý nghĩa “bằng hết tấm lòng thành”. Lời khuyên được đưa ra một cách dễ dàng thì không phải là lời khuyên chân thành. Vì đây là việc khó nên bạn cần phải nỗ lực rất nhiều.
Sự khuyên nhủ tốt hơn cả lời khuyên
Khổng Tử từng nói “Nếu thường xuyên khuyên can trong khi hầu việc vua thì sẽ bị la rầy, còn nếu thường xuyên khuyên răn khi kết thân với bạn bè thì mối quan hệ sẽ trở nên xa cách”. Ngay cả những lời khuyên chân thành nói ra vì suy nghĩ cho đối phương cũng sẽ trở thành lời mắng nhiếc nếu lặp đi lặp lại. Phải thận trọng trong quá trình khuyên nhủ, nhưng cũng phải thận trọng trong việc quyết định xem có nhất định phải đưa ra lời khuyên hay không. Chúng ta nên suy nghĩ xem liệu đối phương có thể tiếp nhận lời khuyên hay không, liệu mình có đủ tư cách để nói chuyện với đối phương hay không, và dù có đủ tư cách đi chăng nữa thì liệu mình có thể phán đoán khuyết điểm của đối phương là khuyết điểm hay không. Điều bạn cho là đúng cũng chỉ là nhận định từ quan điểm của bản thânbạn thôi, và có thể không phải là sự thật.
Việc nói lời đúng đắn với người thân thiết cũng quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả chính là vỗ về họ một cách ấm áp. Cũng có những lúc thật khó hiểu khi đối phương làm sai và gây ra lỗi lầm. Tuy nhiên, từ lập trường của đối phương thì có lý do chính đáng cho lời nói và hành động của họ. Bởi vì trải nghiệm và câu chuyện cá nhân của mỗi người là khác nhau, nên điều bạn nghĩ là quan trọng cũng có thể không quan trọng với đối phương.
Bất cứ ai cũng đều thích người khen ngợi mình, nhưng không muốn gần gũi với người khuyên răn và chỉ trích. Nếu khuyên răn một cách vụng về trong hoàn cảnh bạn không hiểu hết về đối phương, hoặc muốn dịch chuyển đối phương theo ý mình, thì chỉ chuốc lấy sự phản cảm mà thôi. Cho dù đối phương có giãi bày nỗi khổ tâm của mình đi chăng nữa, thì tốt hơn hết nên lắng nghe và khích lệ thay vì khuyên răn hay chỉ dạy họ.
Chúng ta hãy khen ngợi những phần mà người thân đang làm tốt, lặng lẽ quan sát cũng như hỗ trợ họ hơn là khuyên răn về việc họ làm sai. Trong cuộc đối thoại giữa người vợ và người chồng ở phần đầu, nếu người chồng thấy cốc cà phê mới mua và nói rằng “Em quả thật có mắt nhìn” hoặc “Cà phê em pha dù uống ở cốc nào cũng thấy ngon”, có lẽ bầu không khí đã khác rồi. Người chồng mong muốn vợ tiết kiệm sinh hoạt phí một chút, thì dù về sau nói điều đó vào dịp thích hợp cũng sẽ không muộn.
Khi đặt mình trên lập trường đưa ra lời khuyên cho người khác, dường như bạn không thể nhận thấy lỗi lầm của mình vì cảm giác như thể mình là người tốt hơn. Nhưng thực ra, hầu hết mọi người đều không thể thực tiễn 100% những gì họ tin là đúng. Không phải lúc nào bạn cũng sáng suốt và hợp lý đâu. Tùy theo tình huống và tâm trạng, nhiều lúc bạn có thể biện minh cho mình bằng cách đưa ra nhiều căn cứ và lý do này nọ ngay cả khi bản thân hành động trái với lý trí. Trớ trêu thay, chúng ta thường không nhận ra điểm thiếu sót của bản thân nhưng lại thấy điểm thiếu sót của người khác rất rõ.
Lời khuyên tốt nhất là trước hết, bạn hãy trở thành người đáng để trở thành tấm gương cho người khác. Cho dù bạn nói lời đúng đắn thế nào đi nữa, nhưng thái độ hoặc đời sống của bản thân lại khác với lời nói, người nghe sẽ không có lý nào làm theo được. Chính hình ảnh sống một cuộc sống tích cực và ngay thẳng tạo ảnh hưởng tích cực đến người khác và dẫn đến sự biến hóa.
“Vũ Vấn Thiện Ngôn Tức Bái (禹聞善言則拜)” là một câu nói cổ kể về Vũ vương (禹王), vua của nước Hạ (夏) ở Trung Quốc. Khi hạ thần tâu lên lời tốt đẹp đáng để lấy làm giáo huấn thì Vũ vương đã cúi lạy để tạ lễ và tiếp nhận lời ấy.
Trong cuộc sống, dù muốn hay không muốn, chắc chắn chúng ta cũng sẽ được nghe lời khuyên và chỉ bảo từ gia đình hoặc người khác. Chúng ta cần lắng nghe một cách vui mừng như Vũ vương khi có người đưa ra lời khuyên. Dù cách thức biểu hiện của người đưa ra lời khuyên còn vụng về, nhưng nếu họ cho chúng ta biết những sai lầm mà mình chưa nhận ra thì đó là việc đáng biết ơn. Việc nghe lời khuyên tuy không mấy dễ chịu nhưng mang lại cơ hội để chúng ta có thể sửa chữa lời nói và thói quen sai trái của mình.
Việc đưa ra lời khuyên cũng khó, mà việc tiếp nhận lời khuyên cũng khó. Cả hai điều này chỉ có thể được thực hiện một cách hiệu quả khi tự hạ mình xuống. Nếu chúng ta ghi khắc sự thật này, thì chẳng phải những việc gây tổn thương hoặc nhận lấy sự tổn thương từ những người thân trong gia đình trân quý cũng sẽ biến mất hay sao?