Nếu không thể khiến thời gian ngừng lại, thì hãy trải qua một cách vui vẻ!​

Nếu có tuổi mà thân thể lại không bị già đi, thì ấy chẳng phải là phước lành sao? Song, phước lành là khi tấm lòng chín chắn hơn dù thân thể già đi.

Hễ đến cuối năm, chúng ta lại nghe thấy những tiếng ca cẩm ở khắp nơi rằng “Tôi lại già thêm một tuổi nữa rồi!”. Ai cũng muốn được sống lâu nhưng lại không thích tuổi già. Khi nhiều tuổi thì xác thịt suy yếu và tuổi thọ hữu hạn cũng ngắn đi, nên ấy không phải là một việc vui vẻ gì lắm.

Sau 365 ngày là thời gian để trái đất quay một vòng quanh mặt trời, mọi người đều được thêm một tuổi và xác thịt cũng già đi ngần ấy. Trên một khía cạnh nào đó, ấy quả là việc thật thần kỳ khi cơ thể chúng ta chỉ được chở trên trái đất đang quay tròn như con quay thôi, thế mà vẫn xảy ra hiện tượng lão hóa. Có nhiều giả thuyết giải thích về nguyên nhân gây lão hóa. Lý thuyết hao mòn cho rằng một phần tế bào của cơ thể bị hao mòn theo thời gian và cuối cùng ngừng phân chia tế bào; lý thuyết điều tiết gen cho rằng quá trình lão hóa đã được lập trình trong ADN của con người từ khi sinh ra; lý thuyết thần kinh nội tiết lại cho rằng các chức năng cơ thể bị suy giảm do giảm sự tiết ra một số hormone đặc trưng của cơ thể; v.v… Tuy nhiên, lý do chính xác vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Trước khi già đi, thì người ta cứ tưởng rằng tuổi trẻ sẽ còn mãi. Lão hóa chỉ là chuyện của người khác, thậm chí không thể đồng cảm được dù có nghe những chuyện như không nhai được thịt do răng yếu, không ăn được đồ cay mặn do dạ dày hoạt động kém, hay bị đau khớp khi thời tiết âm u, v.v… Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua mà không hề dừng lại và mọi tồn tại đều nhiều tuổi thêm. Ấy là vận mệnh không thể khước từ.

Lão hóa, chúng ta sẽ đón nhận thế nào đây?

Có một chương trình cho người tham dự được du hành thời gian tới tương lai và sống một ngày giả tưởng. Những người tham dự đều đã bị sốc và không nói nên lời vào khoảnh khắc đối mặt với hình ảnh bản thân hóa thành người già. Những nếp nhăn hằn sâu, những vết thâm nám đen sạm, mái tóc điểm bạc… Dù đây là hình ảnh của chính mình sẽ phải đối mặt vào một lúc nào đó nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận được.

Một trang web cổng thông tin việc làm đã khảo sát 1251 người trưởng thành từ 20 tuổi trở lên. “Khi nào bạn cảm thấy mình đã già vậy?” Xếp hạng từ thứ 2 đến thứ 5 là: khi không hiểu được các từ thịnh hành hoặc từ ngữ mới (40%), khi nhìn thấy học sinh mặc đồng phục mà nghĩ rằng đó là thời kỳ đẹp đẽ (28,6%), khi phải nghĩ xem mình bao nhiêu tuổi trước khi trả lời (21%), khi soi gương (20.3%); còn xếp hạng thứ nhất là: dù có nghỉ ngơi thế nào đi nữa thì vẫn cảm thấy mệt mỏi (51,4%).

Như vậy, khi càng có tuổi thì vẻ ngoài bị thay đổi và thể lực cũng không còn được như trước nữa. Cũng có nhiều người không ngần ngại sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để tránh khỏi sự già nua. “Hội chứng Dorian Gray” là từ để chỉ về những người bị ám ảnh một cách thái quá về ngoại hình phần xác và tuổi trẻ. Từ này được bắt nguồn từ tiểu thuyết của Oscar Wilde có tựa đề “Chân dung của Dorian Gray”; nhân vật chính trong tiểu thuyết là Dorian đã ghen tị với hình ảnh mãi mãi không già đi của bản thân trong bức chân dung, và cuối cùng chuốc lấy họa diệt thân.

Các chuyên gia nói rằng vào thời đại 100 tuổi, cần phải thay đổi khái niệm về tuổi già để có thể già đi một cách khỏe mạnh. Không nên coi tuổi già như một gánh nặng mà phải coi đó là món quà quan trọng trong cuộc đời và cần khám phá một cách tích cực.

img enjoy it 02

Hình ảnh hoạt bát ở thời kỳ sung mãn cũng là hình ảnh của bản thân, song hình ảnh thấm đẫm dấu vết thời gian cũng là hình ảnh của bản thân. Những chiếc lá xanh tươi của ngày hè thật đẹp đẽ, nhưng những chiếc lá phong đượm thắm sắc đỏ vào ngày thu cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Ai là người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn giữa một người không thể tươi cười thoải mái vì lo lắng về những nếp nhăn quanh mắt với một người cho rằng “khi có tuổi thì nếp nhăn là điều đương nhiên, nên phải cười nhiều chứ!”. Như có câu nói rằng “Nếu không thể tránh được thì hãy tận hưởng”, nếu không thể ngăn được thời gian trôi thì hãy chấp nhận một cách vui vẻ.

Người có ước mơ thì không bị già đi

Một vị bác sĩ nọ đã sống một cuộc sống thành công và về hưu trong kiêu hãnh ở tuổi 65, nhưng ông ấy đã rơi nước mắt tiếc nuối vào sinh nhật lần thứ 95 của mình, tức 30 năm sau khi nghỉ hưu. Bởi vì khi nghỉ hưu, vị bác sĩ ấy đã nghĩ rằng “Giờ tôi đã sống hết cuộc đời mình rồi. Thời gian còn lại chỉ là được tặng thêm mà thôi!”, nên đã trải qua quãng thời gian ấy một cách vô nghĩa. Trong 95 năm cuộc đời, 30 năm sau khi nghỉ hưu là một khoảng thời gian dài tương đương với 1/3 cuộc đời. Vị bác sĩ vô cùng hối hận nên đã quyết định bắt đầu học ngôn ngữ để không phải hối tiếc vào sinh nhật thứ 105 mà mình sẽ đón sau 10 năm nữa.

Theo tiêu chuẩn tuổi đời được Liên Hiệp Quốc xác định lại, thời kỳ lão niên được bắt đầu ở tuổi 80, độ tuổi từ 66 đến 79 được coi là trung niên và từ 18 đến 65 tuổi được coi là thanh niên. Ngay cả khi nghỉ hưu ở tuổi 65 đi nữa, thì vẫn còn một chặng đường dài mới đến thời kỳ lão niên. Bác sĩ tâm thần người Áo Alfred Adler cho rằng nếu quan tâm quá mức về tuổi tác của mình, thì rất dễ đánh giá thấp bản thân và mắc phải cảm giác tự ti. Thà cứ thẳng thắn rằng “Tuổi tác của mình thì đã sao?” còn tốt hơn gấp trăm lần so với cảm giác tuyệt vọng rằng “Mình làm được gì ở tuổi này chứ?”.

Chẳng phải cũng có câu nói rằng tuổi tác chẳng qua chỉ là con số hay sao? Có những người tỏa ra lòng nhiệt huyết không kém so với người trẻ tuổi để chứng minh cho sự thật ấy. Kim Myung Jun – người đã leo lên đỉnh cao nhất của bảy châu lục trên thế giới ở tuổi 63, Harland Sanders – người khởi nghiệp kinh doanh Gà rán Kentucky ở tuổi 60 và thành công vang dội, Ronald Reagan – người được bầu làm tổng thống ở tuổi 70, John Milton – người để lại kiệt tác bất hủ “Thiên đường đã mất (Paradise Lost)” ở tuổi 59 trong khi bị mù cả hai mắt, Warren Buffett – nổi tiếng là nhà đầu tư huyền thoại và hiện đã 93 tuổi…

Ai đó đã nói rằng “Khoảnh khắc đánh mất ước mơ chính là lúc bị già đi”. Trang phục, lời nói và việc làm không phù hợp với lứa tuổi khiến cho người ta cau mày nhăn mặt, vì vậy cũng không thể hoàn toàn bỏ qua tuổi tác, nhưng trong việc ấp ủ ước mơ thì không có sự phân biệt tuổi tác. Phaolô, được gọi là sứ đồ trong các sứ đồ, đã luôn theo đuổi ước mơ hướng về Nước Thiên Đàng mà rằng “Dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn”. Hãy đặt ra ước mơ của chúng ta vào ngày hôm nay, là ngày trẻ nhất trong quãng đời tuổi trẻ còn lại của chúng ta, là ngày mà chúng ta phải chào đón mỗi ngày.

Được chín chắn theo tuổi tác

Dường như khi càng có tuổi thì sẽ đánh mất nhiều thứ, nhưng cũng có nhiều điểm tốt đẹp. “Không cần phải trả tiền vé tàu điện ngầm”, “Cảm thấy đỡ mắc cỡ rụt rè hơn”, “Không bị mời chào tham gia bảo hiểm”, v.v… Đây không phải là lý do duy nhất mà người ta hay nói đùa vui như thế.

img enjoy it 03

Điều tốt hơn hết khi có thêm tuổi, ấy là có được sự thư thái trong tấm lòng và kinh nghiệm được tích lũy theo năm tháng. Dù thị lực bị kém đi, nhưng đôi mắt của tâm hồn lại được sáng sủa hơn. Dù là người hay gấp gáp kể cả trong việc nhỏ và dễ tức giận hoặc nản lòng khi còn trẻ, nhưng đến khi có tuổi rồi thì thỉnh thoảng được nghe đánh giá từ người xung quanh rằng bản thân đã trở nên thoải mái và bao dung hơn. Ngoài ra, người ta còn cho rằng dù bị lâm vào tình cảnh khốn cùng như nhau, nhưng người lớn tuổi thì sẽ phân tích một cách tích cực hơn và có thể vững vàng ứng phó tốt với tình huống khó khăn.

Ở châu Phi có câu tục ngữ rằng “Khi một người lớn tuổi qua đời, thì ấy giống như một thư viện bị đốt cháy”; còn ở Trung Quốc thì có một câu ngạn ngữ cổ rằng “Lão Mã Chi Trí (老馬之智)” nghĩa là con ngựa già thì tìm đường giỏi. Nghĩa của lời ấy là “kinh nghiệm và trí tuệ của người lớn tuổi được tích lũy trong thời gian lâu dài ấy là rất quý giá”. Cũng như thực phẩm ăn liền không thể bắt chước được hương vị đậm đà của các loại tương được ủ và lên men trong thời gian kiên nhẫn chờ đợi, thì trí tuệ và kinh nghiệm được đúc kết khi đã có tuổi là điều mà người trẻ không thể so sánh nổi.

Tuy nhiên, trí tuệ và kinh nghiệm không phải tự động được tích lũy vì có thêm nhiều tuổi đâu. Nếu viện cớ mình nhiều tuổi hơn mà đòi hỏi phải được tiếp đãi một cách vô điều kiện, hoặc cứ lấy kinh nghiệm của bản thân ra trước mà cố chấp với chủ trương của mình cho bằng được thì sẽ trở thành người nhỏ mọn không thể hòa hợp với những người xung quanh. Khi đối xử với người khác bằng sự khoan dung và ân cần chu đáo, luôn nhìn lại bản thân bằng tư thế tấm lòng mong muốn học hỏi thì tầm mắt của người ấy càng được sâu sắc hơn và trở thành một người nhân đức có thể giao tiếp được với kể cả các thế hệ khác.

Khổng Tử gọi tuổi 40 là “Bất Hoặc (不惑)” với ý nghĩa là người ở độ tuổi ấy thì không bị lung lay trước những cám dỗ của thế gian; và gọi tuổi 50 là “Tri Thiên Mệnh (知天命)”, với ý nghĩa là người ở độ tuổi ấy thì biết được ý trời. Còn tuổi 60 thì được gọi là “Nhĩ Thuận (耳順)” với ý nghĩa là người ở độ tuổi ấy thì hiểu được mọi lời nói vì tai đã trở nên thuần tính rồi; còn tuổi 70 thì được gọi là “Tòng Tâm (從心)” với ý nghĩa là người ở độ tuổi ấy thì dù hành động tùy theo tấm lòng bản thân cũng không phạm pháp. Giống như ngũ cốc và trăm loại cây trái được chín muồi trong khi chịu đựng những cơn gió mạnh và ánh nắng thiêu đốt, đối với người được tôi luyện trong phong ba thế gian và lấp đầy nội tâm bên trong mình thì biểu hiện được gọi là “chín chắn” sẽ thích hợp hơn biểu hiện “già đi”.

Người ta nói rằng thời gian trôi qua với tốc độ 10km/giờ sau 10 tuổi, 30km/giờ sau 30 tuổi, và 50km/giờ sau 50 tuổi. Về điều này, cũng có người cho rằng ấy là nguyên lý giống như khi uống nước trái cây trong một cái ly, dường như lượng nước trái cây càng ít thì lại càng mau hết. Còn có người phân tích rằng càng có tuổi thì cảm thấy thời gian càng ngắn hơn bởi vì đối với đứa trẻ 7 tuổi thì 1 năm chiếm 1/7 cuộc đời, nhưng đối với người 50 tuổi thì 1 năm chẳng qua chỉ chiếm 1/50 mà thôi.

Khi nhìn lại nhân sinh thì ấy chỉ như một giấc mơ trong khoảnh khắc. Sự có thêm tuổi và già đi là điều mà không ai có thể can thiệp được. Điều quan trọng là “Chúng ta già đi như thế nào?”. Chừng nào còn sống và hít thở thì đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Cũng không có cuộc đời nào được ban tặng thêm cả. Quý vị sẽ trở thành người luôn ca thán rằng “Lại già thêm một tuổi”, hay sẽ trở thành người chững chạc và chín chắn hơn mỗi ngày? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của bản thân quý vị.